Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan

Trong điều 1 của UNFCCC, BĐKH được định nghĩa là “sự biến đổi của khí hậu được quy trực tiếp hoặc gián tiếp cho hoạt động của con người làm biến đổi thành phần khí quyển toàn cầu và nó là thành phần bổ sung vào sự biến động tự nhiên quan trắc được trên những khoảng thời gian tương tự nhau.

Kịch bản phát thải là một biểu diễn thích hợp của sự tiến triển tương lai về phát thải, dựa trên giả thiết về các nhân tố tác động (phát triển dân số, kinh tế xã hội, biến đổi công nghệ) và các mối quan hệ giữa chúng. Trên cơ sở kịch bản phát thải, kịch bản nồng độ KNK trong bầu khí quyển được tính toán thông qua lý thuyết về vật lý khí quyển.

Kịch bản biến đổi khí hậu là giả định có cơ sở khoa học và có tính tin cậy về xu hướng trong tương lai của khí hậu dựa trên mối quan hệ giữa hoạt động KTXH, phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.

Dao động khí hậu là sự thay đổi của trạng thái khí hậu có chu kỳ, trạng thái khí hậu được lặp đi lặp lại sau một thời gian nào đó. Hay nói cách khách, dao động khí hậu là sự biến đổi thăng giáng của khí hậu xung quanh trạng thái trung bình. Những biến đổi này thường ngược pha nhau, xảy ra có tính lặp đi lặp lại trong những khoảng thời gian nào đó, nghĩa là dao động khí hậu thường gắn với khái niệm chu kỳ. Có những dao động có chu kỳ ngắn và dễ dàng nhận thấy, nhưng cũng có những dao động với chu kỳ lặp lại khá dài. Dao động có thể là do các quá trình nội tại tự nhiên của hệ thống khí hậu (internal variability) hoặc do các tác động bên ngoài của cả tự nhiên và con người (external variability).

Biến động khí hậu liên quan đến sự thay đổi trong trạng thái trung bình và các đặc trưng thống kê khác (như độ lệch chuẩn, sự xuất hiện các cực đoan…) của khí hậu trên tất cả các quy mô không gian và thời gian lớn hơn quy mô của các hiện tượng thời tiết riêng lẻ. Biến động có thể là do các quá trình nội tại tự nhiên bên trong hệ thống khí hậu (biến động nội tại), hoặc do thay đổi của những tác động bên ngoài của tự nhiên và nhân tạo (biến động bên ngoài).

Chuẩn khí hậu là giá trị trung bình của các yếu tố khí tượng trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 30 năm; làm căn cứ để đánh giá sự khác biệt khí hậu giữa nơi này với nơi khác, giữa thời kỳ này với thời kỳ khác

Xu thế biến đổi khí hậu là sự biến đổi khí hậu được đặc trưng bằng việc tăng hay giảm đơn của giá trị trung bình, thông thường được thể hiện qua đường xu thế tuyến tính. Không chỉ giới hạn ở sự thay đổi tuyến tính theo thời gian, mà đặc trưng bằng chỉ một cực đại và một cực tiểu ở các đầu, cuối chuỗi số liệu.

Nước biển dâng là sự dâng lên của nước biển ở đại dương trên phạm vi toàn cầu, trong đó không bao gồm triều, nước dâng do bão… NBD tại một vị trí nào đó có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với trung bình toàn cầu vì có sự khác nhau về nhiệt độ của đại dương và các yếu tố khác

Ứng phó với biến đổi khí hậu là các hoạt động của con người nhằm thích ứng với BĐKH và giảm thiểu BĐKH

Thích ứng với biến đổi khí hậu là quá trình điều chỉnh các tác động hiện tại hoặc dự kiến của BĐKH. Đó là một trong những cách để ứng phó với BĐKH, cùng với việc giảm nhẹ. Đối với con người, thích ứng nhằm mục đích vừa tránh gây hại vừa khai thác các cơ hội; đối với các hệ thống tự nhiên, con người có thể can thiệp để giúp điều chỉnh

Giảm nhẹ biến đổi khí hậu là các hành động để hạn chế cường độ hoặc tỷ lệ dài hạn BĐKH. Giảm nhẹ BĐKH nói chung liên quan đến việc cắt giảm lượng phát thải KNK của con người. Giảm nhẹ cũng có thể đạt được bằng cách tăng khả năng chứa đựng các-bon, ví dụ, thông qua trồng rừng. Các chính sách giảm thiểu có thể làm giảm đáng kể các rủi ro liên quan đến sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra.

Tính dễ bị tổn thương là mức độ mà một hệ thống dễ bị ảnh hưởng và không có khả năng chống chịu với những tác động tiêu cực của BĐKH, bao gồm dao động khí hậu và những hiện tượng thời tiết cực đoan

Đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ thiên tai so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo

Giám sát biến đổi khí hậu là quá trình thu thập thông tin, dữ liệu, phân tích, đánh giá, theo dõi diễn biến của khí hậu trong khoảng thời gian dài để xác định các biểu hiện của biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống và các hoạt động KTXH

Trạm khí tượng thủy văn là nơi được lựa chọn theo các yêu cầu kỹ thuật chuyên môn để đặt một hoặc nhiều công trình khí tượng thủy văn, gồm các loại: trạm khí tượng bề mặt, trạm khí tượng trên cao, trạm ra đa thời tiết, trạm khí tượng nông nghiệp, trạm thủy văn, trạm hải văn, trạm đo mưa, trạm định vị sét và các loại trạm chuyên đề khá

Trạm giám sát biến đổi khí hậu là trạm được lựa chọn trong số các trạm khí tượng thủy văn hoặc được xây dựng riêng theo yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế để thực hiện quan trắc khí hậu, thành phần hóa khí quyển, mực nước biển.

Phát thải là sự thải các khí nhà kính và/hoặc các tiền tố của chúng vào khí quyển trên một khu vực và thời gian cụ thể (Theo Công ước khí hậu)

Khí nhà kính là các khí trong khí quyển, cả tự nhiên và nhân tạo, hấp thụ và phát ra bức xạ ở các bước sóng trong quang phổ bức xạ hồng ngoại của bề mặt Trái đất, khí quyển và mây. Các khí nhà kính trong khí quyển là điôxit các-bon (CO2), ôxit nitơ (N2O), khí mê-tan (CH4), ô-dôn (O3) và hơi nước (H2O). Các khí nhà kính gây ra hiệu ứng nhà kính với việc giảm năng lượng bức xạ của Trái đất thoát ra vũ trụ, làm ấm lên tầng bên dưới của khí quyển và bề mặt Trái đất.

Nhiên liệu hóa thạch là các nhiên liệu được hình thành bởi các quá trình tự nhiên như phân hủy kỵ khí của xác sinh vật giàu các-bon đã hóa thạch. Các xác đó được chôn trong các lớp trầm tích và nén qua thời kỳ địa chất, dần dần chuyển thành nhiên liệu. Nhiên liệu hóa thạch có chứa tỷ lệ phần trăm cao của các-bon, bao gồm than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Mặc dù các loại nhiên liệu hóa thạch liên tục được hình thành thông qua quá trình tự nhiên, chúng thường được coi là nguồn tài nguyên không tái tạo được, vì phải mất hàng triệu năm để có thể hình thành.

Hiệu ứng nhà kính là các KNK hấp thụ hiệu quả bức xạ hồng ngoại nhiệt phát ra
bởi bề mặt của Trái đất, bởi chính khí quyển do cùng các KNK, bởi các đám mây. Bức xạ khí quyển được phát ra từ mọi phía, bao gồm cả đi xuống bề mặt Trái đất.

Vì vậy, các loại KNK giữ nhiệt bên trong lớp bề mặt đất và tầng đối lưu. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng nhà kính.

Trung hòa các-bon là trạng thái không phát thải các-bon điôxít (CO2). Điều này có thể đạt được bằng cách cân bằng lượng khí thải các-bon với việc loại bỏ khí thải từ xã hội.

Các-bon điôxít hay điôxít các-bon (CO2) là các chất khí tự nhiên và các khí sinh ra do đốt nhiên liệu hóa thạch có nguồn gốc các-bon, như dầu, khí đốt và than đá, do đốt sinh khối và biến đổi sử dụng đất cũng như do các quá trình hoạt động công nghiệp khác. Nó là chất KNK nhân tạo chủ yếu ảnh hưởng đến cân bằng bức xạ Trái đất. CO2 là chất khí tham chiếu làm thước đo cho các chất KNK khác và do đó nó có “tiềm năng nóng lên toàn cầu” bằng 1.

Chu trình các-bon là thuật ngữ dùng để mô tả dòng các-bon (dưới các hình thức
khác nhau, ví dụ như CO2) trong bầu khí quyển, đại dương, sinh quyển trên mặt đất và thạch quyển. Trong báo cáo này, đơn vị tính khối lượng các-bon trong các chu trình cácbon là tỉ tấn các-bon

Mê-tan (CH4) là một hợp chất hóa học có công thức hóa học CH4. Nó là một
thành phần chính của khí tự nhiên. Trong trạng thái tự nhiên, mê-tan được tìm thấy ở cả dưới mặt đất và dưới đáy biển. Nó là một trong sáu khí nhà kính được kiểm soát bởi Nghị định thư Kyoto. Các nguồn khí mê-tan chủ yếu là bãi rác thải, mỏ than, ruộng lúa, các hệ thống khí tự nhiên và súc vật nuôi

Ôxit nitơ (N2O) là một hợp chất hóa học với công thức N2O. Là một trong sáu khí nhà kính được kiểm soát bởi Nghị định thư Kyoto, phát sinh từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch và chế tạo phân bón

Sol khí là các hạt rất nhỏ gây ra hiện tượng mù. Chúng phần lớn là nước và các hạt chất ô nhiễm như axit sulphua và muối biển. Sol khí trong tầng đối lưu thường được giáng thủy quét đi. Các sol khí được mang lên tầng bình lưu thường ở đó lâu hơn nhiều. Sol khí ở tầng bình lưu chủ yếu là các hạt sunphat từ các vụ núi lửa phun, có thể làm giảm đáng kể bức xạ mặt trời

Tầng ô-dôn là một lớp trong tầng bình lưu của Trái Đất, có tác dụng bảo vệ Trái Đất khỏi các bức xạ cực tím có hại từ Mặt Trời

Bể hấp thụ các-bon là các hệ thống tự nhiên hoặc nhân tạo hấp thụ và lưu trữ cácbon điôxít từ khí quyển. Cây cối và đại dương đều hấp thụ các-bon điôxít và đó được gọi là các bể hấp thụ

Ngân sách các-bon là cán cân trao đổi (nhập vào và mất đi) của các-bon giữa các bể chứa các-bon hoặc giữa một vòng cụ thể (ví dụ khí quyển-sinh quyển) của chu trình các-bon. Việc xem xét ngân sách các-bon của một bể chứa có thể cho biết bể chứa hoạt động như một nguồn (phát thải) hay hấp thụ các-bon điôxít

Tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí các-bon điôxít (CO2) hoặc một tấn khí các-bon điôxít (CO2) tương đương

Thuế các-bon là thuế đánh vào phát thải các-bon. Nó tương tự như thuế BTU, chỉ khác ở mức thuế được xác định dựa trên mức phát thải các-bon

Thông lượng các-bon là tốc độ trao đổi các-bon giữa các bể chứa các-bon

Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính của quốc gia, tổ chức, cá nhân được phép phát thải trong một khoảng thời gian xác định, được tính theo tấn khí các-bon điôxít (CO2) hoặc tấn khí các-bon điôxít (CO2) tương đương

Mua bán phát thải là một phương thức dựa trên cơ sở thị trường để đạt tới các mục tiêu môi trường, cho phép các Bên giảm phát thải KNK dưới mức cần thiết được sử dụng hoặc mua bán phần giảm quá mức để bù cho phát thải ở nguồn khác hoặc bên ngoài nước mình. Nói chung, việc mua bán có thể diễn ra ở quy mô trong nước, quốc tế và giữa các doanh nghiệp. Điều 17 Nghị định thư Kyoto cho phép các nước thuộc Phụ lục B thực hiện trao đổi nghĩa vụ phát thải. Việc mua bán phát thải quốc tế là một trong các cơ chế Kyoto, được đưa ra để các nước thuộc Phụ lục B có thể linh hoạt trong giảm phát thải KNK, nhằm đạt được các mục tiêu đã cam kết

Hiện tượng thời tiết cực đoan là khái niệm mô tả một hiện tượng hiếm có tại một nơi, một thời điểm cụ thể của năm.Có nhiều cách định nghĩa hiện tượng hiếm có, nhưng một hiện tượng thời tiết cực đoan thường là hiếm có hay có ít hơn 10% hay 90% (một số trường hợp sử dụng ngưỡng 5% hay 95%) của hàm mật độ xác suất quan trắc được. Theo định nghĩa, các đặc trưng được gọi là thời tiết cực đoan có thể thay đổi từ nơi này đến nơi khác.

Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động KTXH, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác

Rủi ro thiên tai là thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động KTXH

Cấp độ rủi ro thiên tai là sự phân định mức độ thiệt hại do thiên tai áp thấp nhiệt đới, bão, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động KTXH

Xoáy thuận nhiệt đới là vùng gió xoáy (đường kính có thể tới hàng trăm km) hình thành trên biển nhiệt đới, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ ở Bán cầu Bắc (cùng chiều kim đồng hồ ở Bán cầu Nam), áp suất khí quyển (khí áp) trong xoáy thuận nhiệt đới thấp hơn xung quanh, có mưa, đôi khi kèm theo dông, tố, lốc.

XTNĐ bao gồm có bão và áp thấp nhiệt đới. Bão là xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 (62-74km/h) trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão

Áp thấp nhiệt đới là xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 6 đến cấp 7 và có thể có gió giật

Hạn hán là hiện tượng thiếu hụt nước nghiêm trọng kéo dài, thường liên quan tới điều kiện thời tiết khô và thiếu hụt mưa kéo dài làm giảm hàm lượng ẩm trong không khí  và hàm lượng nước trong đất, làm suy kiệt dòng chảy sông suối, hạ thấp mực nước ao hồ, mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất gây ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng, làm môi trường suy thoái, gây đói nghèo và dịch bệnh hơn. 

Có 4 loại hạn chính: Hạn khí tượng là sự thiếu hụt mưa bất thường đối với một khu vực cụ thể. Hạn nông nghiệp là sự thiếu hụt nguồn nước cung cấp cho các nhu cầu nước của cây trồng trong giai đoạn phát triển khác nhau. Hạn thủy văn đề cập đến sự duy trì mực nước thấp ở các sông, suối và hồ chứa. Hạn thủy văn thường có sự liên kết với hạn khí tượng. Hạn kinh tế – xã hội xảy ra khi nhu cầu về nước vượt quá khả năng cung để đảm bảo các hoạt động KTXH. Siêu hạn (megadrought) là một đợt hạn xảy ra diện rất rộng, trong một giai đoạn dài bất thường, thường là một thập kỷ hoặc hơn.

Xâm nhập mặn là hiện tượng nước mặn với nồng độ mặn bằng 4‰ xâm nhập sâu vào nội đồng khi xảy ra triều cường, nước biển dâng hoặc cạn kiệt nguồn nước ngọt.

Nắng nóng là một dạng thời tiết đặc biệt trong mùa hè, khi nhiệt độ không khí cao nhất trong ngày vượt quá 35oC (Quyết định 03/2020/QĐ-TTg).

Nắng nóng diện rộng là nắng nóng xảy ra từ một nửa số trạm trở lên trong toàn bộ số trạm quan trắc của khu vực đó

Rét đậm, rét hại: Rét đậm xuất hiện khi nhiệt độ trung bình trong ngày giảm xuống dưới 15oC và trên 13oC (13oC < Ttb ≤ 15oC). Rét hại xuất hiện khi nhiệt độ trung bình trong ngày dưới 13oC (Ttb ≤ 13oC). Rét đậm, rét hại kéo dài từ 3 ngày liên tiếp trở lên thì được gọi là đợt rét đậm, rét hại.

Sương muối là hiện tượng hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ và trắng như muối ngay trên mặt đất hay bề mặt cây cỏ hoặc các vật thể khác. Sương muối thường hình thành vào những đêm mùa đông, trời lặng gió, quang mây trong các tháng đầu mùa đông ở miền Bắc.

Sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát bề mặt trái đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1 km.

Mưa lớn là hiện tượng mưa với tổng lượng mưa đạt trên 50 mm trong 24 giờ. Trong đó, mưa với tổng lượng mưa từ trên 50 mm đến 100 mm là mưa to và trên 100 mm là mưa rất to.

Mưa lớn diện rộng là mưa lớn xảy ra từ một nửa số trạm trở lên trong toàn bộ số trạm quan trắc của khu vực đó

Lũ quét là lũ xảy ra bất ngờ trên các lưu vực sông suối miền núi, nơi có độ dốc lớn, dòng chảy xiết, thường kèm theo đất, đá, cây cối, lũ lên nhanh, xuống nhanh, có sức tàn phá lớn.

Lũ là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong khoảng thời gian nhất định, sau đó xuống. Lũ hình thành do mưa có cường độ lớn trong thời gian ngắn hoặc do sự kết hợp với các hình thái thời tiết theo mùa. Lũ có 2 loại: (1) Lũ sông: xảy ra trên các sông khi mực nước dâng cao do mưa lớn ở đầu nguồn gây ra hoặc xả lũ, sự cố hồ chứa đầu nguồn hoặc do ảnh hưởng của bão, ATNĐ gây mưa lớn trên diện rộng; (2) Lũ ven biển: xảy ra khi bão hoặc ATNĐ kết hợp với triều cường làm mực nước biển và cửa sông dâng cao gây lũ, ngập lụt khu vực trũng thấp ven biển.

Ngập lụt là hiện tượng mặt đất bị ngập nước do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ, triều cường, nước biển dâng. Ngập lụt thường do mưa lớn tại chỗ, lũ từ thượng nguồn kết hợp với triều cường hoặc do triều từ biển vào gây tổn thất về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, giao thông, hoạt động sản xuất, môi trường sinh thái cũng như cuộc sống của nhân dân